Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng của Bộ Y Tế

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương vượt qua lớp cơ niêm, do tác động của dịch vị dạ dày. Viêm loét dạ dày tá tràng được coi là bệnh mạn tính, diễn biến có chu kỳ, xu hướng hay tái phát và dễ gây biến chứng nguy hiểm như chảy máu, tắc nghẽn, thủng hay ung thư dạ dày…Trong bài viết này, bạn hãy cùng tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm loét dày của Bộ Y Tế có cái nhìn tổng thể và định hướng điều trị bệnh phù hợp với bản thân mình.

Cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày tá tràng  xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các yếu tố phá hủy niêm mạc (HCl, pepsin, acid mật, Helicobacter pylori, rượu…) với các yếu tố bảo vệ niêm mạc (chất nhầy, Bicarbonate, Prostaglandin, tầng chống thấm…) mà tính trội thuộc về nhóm các yếu tố tấn công.

Cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày 1
Dạ dày bị tổn thương do viêm loét

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, nhưng có 3 nguyên nhân thường gặp nhất là :

Loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori(Hp):

Dùng các thuốc kháng viêm giảm đau NSAID, AINS và Aspirin: Đây đều là những thuốc phổ biến thường được kê trong phác đồ điều trị của nhiều bệnh. Bệnh nhân khi dùng các loại thuốc này có thể bị loét dạ dày cấp tính và thường loét nhiều ổ.

Loét do Stress: Đây cũng là nguyên nhân thường gặp ở những bệnh nhân nằm cấp cứu như : thở máy, bỏng, chấn thương sọ não, nhiễm trùng huyết, viêm tụy cấp, suy gan, suy thận với tỷ lệ từ 50-100%. Nghĩa là trong 100 người bị các bệnh kể trên thì có tới hơn 50% người bị loét dạ dày.

Ngoài ra, do chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý, ăn thường xuyên và kéo dài các thực phẩm gây kích ứng hoặc tổn thương niêm mạc dạ dày như: đồ ăn cay nóng, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng 1
Vi khuẩn Helicobacter pylori – nguyên nhân thường gặp gây viêm loét dạ dày tá tràng

Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày của bộ y tế

1. Nguyên tắc điều trị

Tái lập cân bằng giữa các yếu tố phá hủy và các yếu tố bảo vệ bằng cách dùng thuốc ức chế HCl và loại bỏ các yếu tố tấn công phá hủy niêm mạc; dùng các thuốc tăng cường các cơ chế bảo vệ niêm mạc.

Điểm mấu chốt vẫn là điều trị nguyên nhân.

Cần phối hợp các biện pháp điều chỉnh lối sống (chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc) và chế độ điều trị bằng thuốc.

2. Mục tiêu điều trị bao gồm các mục tiêu 

Tức thời: làm giảm nhanh các triệu chứng.

Mục tiêu ngắn hạn: làm lành tổn thương loét, thúc đẩy tái sinh niêm mạc.

Mục tiêu dài hạn: phòng ngừa tái phát và biến chứng.

3. Điều trị cụ thể

3.1. Lựa chọn các nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc kháng acid:  

Có nhiều loại khác nhau, ưu điểm là pH dịch vị được nâng lên rất nhanh nên làm giảm đau rất nhanh. Phần lớn, trong số này nếu uống đúng cách còn có tác dụng bảo vệ tế bào.

Nhược điểm chung là: tác dụng ngắn, phải dùng nhiều lần trong ngày (thường là 7 lần), dùng lâu không có lợi. Thành phần chính là Al(OH)3  Mg(OH)2. Có tác dụng nhanh (15 phút) nhưng thời gian tác dụng ngắn (2-3 giờ) và có tác dụng phụ  như tiêu chảy hoặc táo bón do các thành phần có trong thuốc.

Hiện ít được sử dụng đơn độc trong điều trị loét dạ dày tá tràng.

Một số chế phẩm có thêm các thành phần phối hợp như actapulgite (attapulgite-antacid) có tác dụng che phủ bảo vệ, phối hợp với dimethicone (guaiazulene-dimethicone) có tác dụng chống đầy hơi… có thể sử dụng trong thời gian đầu vì lợi điểm làm giảm nhanh triệu chứng.

Cách sử dụng: dùng trước bữa ăn 15 phút, hoặc sau ăn 1 giờ, hoặc khi đau. Trung bình 3 lần / ngày.

3. Điều trị cụ thể 1
Thuốc kháng acid

Nhóm kháng thụ thể H2 (Anti H2)

Thuốc tranh chấp với histamin dẫn đến ức chế thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày.

Thuốc làm giảm cả bài tiết dịch vị cơ bản và dịch vị kích thích: Giảm 90% bài tiết dịch vị cơ bản, 50 – 70% bài tiết dịch vị 24h.

Các dạng thông dụng là Ranitidine, Cimetidin …thời gian bắt đầu tác dụng chậm hơn antacid nhưng tác dụng dài hơn (5-7 giờ).

Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ (vú to ở nam, bất lực nam, suy thận, viêm gan…) và có hiện tượng dung nạp thuốc xảy ra sau 1 tuần điều trị nên hiện nay cũng ít sử dụng.

Cách sử dụng: Uống trước ăn 30 phút (dùng cách xa thuốc kháng acid 2 giờ) và trung bình uống 2 lần/ngày.

Ưu điểm của thuốc này là rẻ tiền, an toàn tác dụng nhanh, pH tăng rất rõ sau 1 giờ và đạt tác dụng tối đa ngay từ ngày đầu tiên, kiểm soát dịch vị ban đêm rất tốt nhưng khả năng ức chế acid dịch vị  yếu hơn so với nhóm PPI.

Nhóm ức chế bơm Proton (PPI)

Bản chất là các dẫn xuất nhóm Benzimidazole (Esomeprazole, Omeprazole, Rabeprazole, Pantoprazole…), tác dụng chậm hơn kháng acid nhưng là thuốc ức chế bài tiết dài và mạnh nhất cho đến nay.  Do ức chế enzym K+/H+ – ATPase nên chúng tác động vào khâu cuối của quá trình bài tiết acid dịch vị nên được coi là nhóm thuốc có khả năng cao nhất trong kiểm soát bài tiết acid dịch vị.

Thuốc ít có tác dụng phụ hơn so với anti H2, có thể gây nhức đầu hoặc tiêu chảy nhẹ.

Cách sử dụng: uống trước bữa ăn chính 15–30 phút và thường được dùng với liều tiêu chuẩn 1 lần / ngày (Omeprazole 20mg/ngày, Pantoprazole 40mg/ngày, Rabeprazole 20mg/ngày, Esomeprazole 20 – 40mg/ngày)

3. Điều trị cụ thể 2
Các thuốc ức chế bơm Proton (PPI)

Thuốc tăng cường hệ thống bảo vệ niêm mạc

Sucralfate 

Bản chất hóa học là Saccharose + Sulfat + Al(OH)3. Thuốc có tác dụng nhanh (tạo lớp nhầy bọc niêm mạc) nhưng thời gian tác dụng ngắn và gây táo bón.

Uống trước bữa ăn 15–30 phút. Liều trung bình 1000mg x 4  lần/ngày

Rebamipide

Bản chất là acid amin đồng phân của 2-(1H)-quinolinone. Thuốc có tác dụng kháng viêm tại chỗ trên niêm mạc ống tiêu hóa, đồng thời có vai trò kích thích sự bài tiết Prostaglandin nội sinh tại niêm mạc dạ dày, nhờ đó thúc đẩy quá trình làm lành loét cũng như chất lượng lành viêm loét dạ dày hành tá tràng, đặc biệt là đối với các ổ loét có kích thước ≥ 2cm.

Thuốc ít có tác dụng phụ

Thuốc được dùng trước hoặc sau bữa ăn. Liều 100mg x 3 lần/ngày.

 Bismuth: vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, vừa diệt H.pylori.

3. Điều trị cụ thể 3
Thuốc Bismuth

Misoprostol: là đồng đẳng với prostaglandin E1 có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày vì làm tăng bài tiết chất nhầy và bicarbonat đồng thời làm tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày hành tá tràng. Hiện ít dùng do tác dụng phụ.

Các kháng sinh diệt H.pylori

  • Amoxicillin 500mg: kháng thuốc ít
  • Metronidazol/tinidazol hiện nay thuốc này bị kháng rất nhiều. bệnh nhân sau khi uống thường mệt.
  • Clarithromycin 250mg,500mg.
  • Bismuth.
  • Furazolidone: nitrofuran ít dùng ở nước ta.
  • Fluoroquinolones: Levofloxacin 500mg.

3.2. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng có H.pylori 

Dùng trong trường hợp bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán dương tính Hp. Phác đồ sau đây tham khảo từ phác đồ điều trị viêm dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP của Bộ Y Tế.

Tên phác đồ Thời gian (ngày) Cách sử dụng
Phác đồ 3 thuốc 7 – 14 PPI + A + C
Phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin 10 PPI + A + L
Phác đồ nối tiếp 10 5 ngày đầu: PPI + A,

5 ngày kế:   PPI + C + Ti

Phác đồ 4 thuốc không có Bismuth 10 PPI + A + C + M / Ti
Phác đồ 4 thuốc có Bismuth 14 PPI + M + Te + B
Ghi chú: PPI: Thuốc ức chế bơm Proton, A: Amoxicilline, C: Clarithromycine,

L: Levofloxacin, Te: Tetracycline, Ti: Tinidazol, M: Metronidazole, B: Bismuth

Phác đồ 3 thuốc điều trị viêm dạ dày tá tràng của bộ y tế do Hp 

Các thuốc sử dụng:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
  • Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.

Phác đồ 3 thuốc có levofloxacin điều trị viêm dạ dày tá tràng do Hp

Các thuốc sử dụng:

  • Thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton (PPI): 2 lần/ngày, uống trước ăn 30 phút.
  • Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Levofloxacin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
3. Điều trị cụ thể 4
Levofloxacin- kháng sinh điều trị viêm dạ dày tá tràng do Hp

Phác đồ nối tiếp điều trị viêm dạ dày tá tràng do vi khuẩn Hp

Trong phác đồ điều trị viêm dạ dày tá tràng này, người bệnh dùng thuốc trong 2 giai đoạn nối tiếp nhau.

Các thuốc sử dụng trong giai đoạn 1 (5 ngày đầu):

  • Thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton (PPI) : 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
  • Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.

Các thuốc sử dụng trong giai đoạn 2 (5 ngày tiếp theo):

  • Thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
  • Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Tinidazol 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.

Phác đồ 4 thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng do Hp

Các phác đồ loại này thường được chia làm 2 loại là phác đồ có Bismuth và phác đồ không có Bismuth.

Các thuốc sử dụng trong phác đồ có Bismuth:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
  • Tetracyclin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Metronidazole 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Bismuth 240mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.

Các thuốc sử dụng trong phác đồ không có Bismuth:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): 2 lần mỗi ngày, trước bữa ăn 30 phút.
  • Amoxicillin 500mg: 4 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Clarithromycin 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.
  • Metronidazole 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn. Hoặc Tinidazol 500mg: 2 viên/ngày chia 2 lần sáng tối, uống sau ăn.

Lưu ý chọn lựa phác đồ điều trị

Phác đồ đầu tay (bệnh nhân chưa từng tiệt trừ H. pylori): phác đồ nối tiếp, phác đồ 4 thuốc có Bismuth hoặc phác đồ 4 thuốc không có Bismuth.

Phác đồ thứ 2 (đã thất bại 1 lần): Sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth nếu trước đó chưa điều trị với phác đồ này.

Trong trường hợp đã sử dụng 4 thuốc chứa Bismuth làm phác đồ đầu tay nhưng thất bại, chọn phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin.

Phác đồ nối tiếp (đã thất bại tiệt trừ 2 lần): nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.

Một số lưu ý khác:

Không dùng lại kháng sinh đã sử dụng trong phác đồ điều trị bị thất bại trước đó, đặc biệt là Clarithromycine (ngoại trừ Amoxicilline) vì kháng thứ phát rất cao.

Khuyên bệnh nhân tạm ngưng hút thuốc lá và không uống rượu bia trong thời gian điều trị tiệt trừ H. pylori vì làm giảm hiệu quả tiệt trừ.

Có thể phối hợp (Bacillus clausii) giảm tác dụng phụ của phác đồ điều trị Hp.

3.3. Điều trị ngoại khoa

Rất hạn chế, chỉ phẫu thuật khi :

  • Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu dạ dày hành tá tràng điều trị nội khoa thất bại.
  • Thủng dạ dày- hành tá tràng
  • Hẹp môn vị.
  • Ung thư hóa.
  • Rò dạ dày tá tràng vào các tạng lân cận.
3. Điều trị cụ thể 5
Viêm loét dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa nặng phải điều trị ngoại khoa

3.4. Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng không dùng thuốc

Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý góp phần quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân nên kết hợp các biện pháp dưới đây để tăng hiệu quả của phác đồ điều trị viêm dạ dày tá tràng:

  • Bỏ thuốc lá, thuốc lào và đề phòng khi dùng NSAID
  • Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên để quá đói hoặc quá no.
  • Không ăn bữa cuối cùng gần giấc ngủ.
  • Nên hạn chế thuốc lá và rượu bia.
  • Tránh làm việc căng thẳng.
  • Không cần thiết kiêng thức ăn nhiều gia vị, chua, cay một cách thường quy.

Lời kết

Trên đây là những thông tin được tham khảo từ các tài liệu uy tín về phác đồ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng tối ưu nhất, hy vọng bạn có thể nắm được một phần nào đó về phương pháp điều trị bệnh lý của mình.

Tuy nhiên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế chỉ định điều trị của bác sĩ đối với tình trạng bệnh của bạn. Nếu bạn đang có những dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị sớm nhất.

Cập nhật lúc: 03/02/2024
bac-si-duong-xuan-phuong.jpg

Bài viết mới nhất

Video nổi bật

Ngày 5/10/2019, Nhà máy Công nghệ cao Thái Minh đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong

Ngày 5/10/2019, Nhà máy Công nghệ cao Thái Minh đã

Loading...