Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và những điều bạn cần biết

Bạn đang cảm thấy khó chịu trong người. Bạn hay ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và tức ngực. Bạn đang nghi ngờ liệu mình có bị trào ngược dạ dày thực quản không. Đừng lo! Hãy đọc bài viết dưới đây, nó sẽ giúp ích cho bạn đấy.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và những điều bạn cần biết 1
Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản

Thực quản là gì?

Thực quản là một ống hình trụ nối từ hầu qua ngực vào ổ bụng và nối với dạ dày ở tâm vị. Đây là bộ phận đầu tiên của ống tiêu hóa.

Khi bạn nuốt, thức ăn từ miệng qua hầu vào thực quản. Và từ đây thức ăn sẽ được chuyển xuống dạ dày để vào chu trình tiêu hóa.

Cũng như những bộ phận khác của cơ thể, thực quản được cấu tạo bởi nhiều lớp khác nhau. Lớp niêm mạc của thực quản khá nhạy cảm với nhiều yếu tố.

Vì thế, trong trường hợp bạn ăn đồ quá cay nóng hay khi có hiện tượng trào ngược của dịch dạ dày thì có thể ảnh hưởng không tốt và gây tổn thương thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là gì? 1
Cơ chế của hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản

Theo thống kê cho thấy, trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý khá phổ biến liên quan đến dạ dày.

Đa số mọi người đều sẽ mắc phải một vài lần trong đời. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Thỉnh thoảng bạn có thể gặp phải tình trạng này, chẳng hạn như khi ăn quá no, ăn đồ chua cay,…

Khi đó, nó chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, bạn sẽ ổn lại nhanh thôi. Tuy nhiên, nếu nó thường xuyên xảy ra và dai dẳng thì bạn cần phải chú ý tới.

Trong dịch dạ dày có chứa nhiều acid, các men tiêu hóa, thức ăn,…Khi những chất này trào ngược lên trên trong một thời gian dài sẽ gây ra những tổn thương cho nhiều bộ phận của ống tiêu hoá như thực quản, dạ dày,… Khi đó gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Nguyên nhân của hiện tượng này

Do rối loạn cơ thắt thực quản dưới

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản là do rối loạn cơ thắt thực quản dưới. Bình thường, cơ này chỉ mở ra khi chúng ta nuốt, chẳng hạn như khi ăn, uống. Còn lại chúng sẽ đóng để ngăn cản dịch vị trào ngược lên.

Khi bị rối loạn, chức năng hoạt động của cơ sẽ kém đi, cơ bị giãn ra, tạo điều kiện cho dịch dạ dày trào ngược lên trên. Acid hydrochloride có trong dịch dạ dày khi tiếp xúc lâu dài với niêm mạc thực quản, chúng sẽ bào mòn dần lớp niêm mạc này, gây viêm, tổn thương.

Thậm chí, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể gây loét thực quản và nảy sinh ra nhiều biến chứng khác.

Do những thói quen không lành mạnh

Những thói quen xấu như hút thuốc, ăn uống không lành mạnh,.. cũng góp phần gây trầm trọng thêm căn bệnh này.

Thực tế, việc ăn những thức ăn quá cay hay nhiều dầu mỡ, ăn quá no, ăn khuya, ăn nhanh… cực kì là nguy hại. Hầu như ai cũng biết điều này nhưng rất ít người chịu thay đổi. Đó là lý do vì sao căn bệnh này lại phổ biến đến vậy.

Các yếu tố khác

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày như béo phì, thai kỳ, stress, một số loại thuốc,…

Do thừa cân, béo phì

Bạn có biết tại sao những người thừa cân, béo phì lại có nguy cơ mắc bệnh trào ngược cao hơn những người khác?

Do thừa cân, béo phì 1
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản

Đó là vì ở những người này, cân nặng của họ đã tạo ra một áp lực lớn lên bụng, dạ dày và nhiều cơ quan khác. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ đóng mở của cơ thắt thực quản dưới. Do áp lực quá lớn, cơ đóng chậm hơn, làm cho dịch dạ dày có thể trào ngược lên thực quản dễ hơn bình thường.

Trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai

Khi mang thai, cân nặng sẽ tăng nhanh chóng. Cùng với đó, nội tiết tố trong cơ thể cũng thay đổi. Tính khí cũng trở nên thất thường, dễ gặp nhiều stress,… Chính những điều này làm cho phụ nữ mang thai dễ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai 1
Phụ nữ mang thai dễ bị trào ngược dạ dày thực quản

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng, ợ chua, ợ hơi

Đa số những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản đều mắc phải chứng ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, họ có cảm giác chua ở miệng, nóng ở sau xương ức.

Nôn, buồn nôn

Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể nôn, buồn nôn. Điều này là do dịch dạ dày trào ngược lên. Hiện tượng này có thể giúp họ thoải mái hơn phần nào đối với sự khó chịu ở dạ dày.

Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên sau khi ăn hoặc vào ban đêm. Những cơn trào ngược về đêm có thể khiến chúng ta khó mà ngủ ngon được.

Đau ngực, đau thượng vị, khó nuốt

Một số người thậm chí còn bị đau ngực, đau thượng vị hoặc gặp phải chứng khó nuốt. Có thể lý giải được điều này. Đó là do dịch dạ dày khi bị trào ngược sẽ gây khó chịu, gây đau vùng thượng vị, đau tức ngực.

Acid dịch vị sẽ làm cho niêm mạc của nhiều tổ chức bị viêm, bị tổn thương tùy từng mức độ. Ở những tổ chức bị tổn thương kéo dài, có thể hình thành nên các mô sẹo. Bạn sẽ có cảm giác có cái gì vướng ở cổ và cảm thấy khó nuốt.

Viêm họng, ho khan, khò khè

Đôi khi có ai đó còn kèm theo viêm họng, ho khan, khò khè. Họ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu và rất khó chịu.. Bạn có gặp phải tình trạng như thế này không?

Chẩn đoán

Việc kết luận một ai đó bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản không đơn giản là chỉ dựa vào những triệu chứng mà người đó gặp phải. Bác sĩ sẽ phải hỏi bệnh để thu thập những thông tin về bệnh sử, chế độ ăn uống, lối sống, những triệu chứng của bệnh nhân.

Sau đó, bác sĩ sẽ khám bệnh và tiến hành những xét nghiệm cần thiết. Nhờ vào những xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ bệnh để có chỉ định điều trị phù hợp.

Nội soi dạ dày: Kỹ thuật này được ứng dụng nhiều trong việc phát hiện các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,…Bạn sẽ được luồn một cái ống mềm có gắn các thiết bị tín hiệu (đèn và camera nhỏ) qua miệng, rồi qua thực quản xuống dạ dày. Nhờ vào đó, bác sĩ sẽ quan sát được hình ảnh dạ dày của bạn, giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn.

Chẩn đoán 1
Mô phỏng quá trình nội soi dạ dày

Chụp X-quang dạ dày: Có thể bạn sẽ được nhân viên y tế yêu cầu uống thuốc cản quang trước khi chụp. Những bức xạ của chùm tia X sẽ xuyên qua các mô và dịch tế bào trong cơ thể. Hình ảnh của các tổ chức mà nó đi qua sẽ được ghi lại bằng ở trên phim. Những hình ảnh này khá rõ nét, giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán bệnh.

Một số kỹ thuật khác như đo áp lực thực quản, theo dõi pH thực quản lưu động,…

Điều trị

Những loại thuốc giảm tiết acid được sử dụng nhiều trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2 histamin. 

Thuốc ức chế bơm proton: là nhóm thuốc giảm tiết acid mạnh nhất. Các thuốc thông dụng của nhóm này là omeprazol, esomeprazol, pantoprazol,.. Bạn có thể dùng nó vào trước bữa ăn khoảng 30 đến 60 phút. Nhóm thuốc chẹn H2 histamin cũng được dùng khá phổ biến, như cimetidin, famotidin,…

Thuốc trung hoà acid dạ dày cũng được sử dụng trong điều trị bệnh lý này, như các chế phẩm magie hydroxide, nhôm hydroxide.

Điều trị 1
Mallote (Magnest hydroxyd + Nhôm hydroxyd) là chế phẩm giúp trung hòa axit dịch vị

Phẫu thuật để cải thiện chức năng của cơ thắt thực quản cũng được áp trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Thông thường, biện pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp quá nặng, không đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của phương pháp này so với việc điều trị bằng thuốc có sự khác biệt không đáng kể.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Theo thời gian, nếu không được điều trị, căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ tiến triển thêm và có thể gây ra:

Viêm thực quản: Acid trong dịch dạ dày kích thích, gây viêm và làm bào mòn dần lớp niêm mạc thực quản. Lâu dần có thể tiến triển thành loét thực quản.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản 1
Trào ngược dạ dày lâu dần sẽ gây viêm thực quản do axit dịch vị phá hỏng niêm mạc thực quản

Barrett thực quản: Khi bị trào ngược kéo dài có thể bị Barrett thực quản và từ đó có khả năng tiến triển thành ung thư thực quản.

Xuất huyết đường tiêu hóa: Tình trạng này do acid tiếp xúc lâu ngày với niêm mạc thực quản, gây viêm, hình thành những vết loét và sau đó gây chảy máu.

Hẹp thực quản: Những tổn thương ở niêm mạc thực quản sau một thời gian có thể hình thành nên mô sẹo. Điều này làm cản trở sự di chuyển của thức ăn và gây nên hiện tượng khó nuốt.

Phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Sống lành mạnh và loại bỏ những thói quen xấu.

Điều này đôi khi còn quan trọng hơn cả việc dùng thuốc. Bạn sẽ cảm thấy có những chuyển biến tốt khi thay đổi được bản thân mình.

Hãy dừng ngay việc ăn uống không điều độ, không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc,…Với những ai đó gặp phải khó khăn khi ngủ vì sự trào ngược acid quá mức, hãy kê cao đầu khi ngủ, có thể bạn sẽ thấy cải thiện đấy.

Kiểm soát cân nặng

Phụ nữ mang thai và người thừa cân, béo phì cần phải kiểm soát cân nặng của mình. Nếu bạn là một trong những đối tượng này thì hãy thường xuyên vận động, giữ cân nặng ở mức phù hợp. Phụ nữ có thai thì vận động nhẹ nhàng thôi nhé, như đi bộ chẳng hạn.

Kiểm soát cân nặng 1
Chạy bộ để kiểm soát cân nặng phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản hẳn là một bệnh lý phổ biến đối với mỗi người. Bạn chớ coi thường nó. Nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn hãy đến hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Để biết thêm thông tin về căn bệnh này hãy xem video dưới đây

Tài liệu tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6140167/

Cập nhật lúc: 03/02/2024
bac-si-duong-xuan-phuong.jpg

Bài viết mới nhất

Video nổi bật

Ngày 5/10/2019, Nhà máy Công nghệ cao Thái Minh đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong

Ngày 5/10/2019, Nhà máy Công nghệ cao Thái Minh đã

Loading...